VỊ CHÂN SƯ

VịChânSư(tt)

Cyril Scott  -  The Inititate

(Xem Vị Chân Sư từ số đầu tiên trong mục Sách Dịch)

Vị tu sĩ trả lời.
– Sao, đem phí thuốc quí báu của ta chỉ để cho con chó không đáng ư ?
Antonius kêu lên.
– A, phải chi con đừng uống nước quí giá đó thì con vật đáng thương này có thể được phần thuốc ấy rồi.
Vị tu sĩ nói.
– Anh rầu rĩ làm chi đối với con vật không còn bị đau đớn, bất tỉnh, và do đó an vui ?Hơn nữa, nấn ná ở đây không tốt, vậy hãy đi tới nơi ấm áp, tiện nghi và lại có người yêu đang chờ đón.
Antonius kêu lên.
– Tôi sẽ không đi và rời bỏ con chó trung thành đáng thương này cho tới khi nào tôi biết là không còn cứu vãn được nữa, và nếu ông không đưa lọ thuốc của ông, tôi sẽ mang con chó đến tu viện để xem có thể sưởi ấm làm nó hồi phục được chăng, bởi chắc chắn là tôi sẽ không để nó chết trong tuyết.
Vị tu sĩ đột nhiên đổi giọng nói, có vẻ tán đồng, dịu ngọt và thương yêu.
– Người huynh đệ, anh quả đã học được lòng từ chân thật (lòng từ bi chân thật được tả đẹp đẽ trong chuyện Mahabharata, xoay quanh một con chó mà Arjuna không chịu bỏ rơi), nay tôi thấy đường tiến hóa của anh đi theo đường Từ Bi, và anh thích hợp làm Người Phụng Sự cho Nhân Loại. Nhưng sao đi nữa tôi cũng sẽ cứu con chó trung thành của anh, không phải chỉ vì anh mà còn vì tình thương cho một huynh đệ trẻ trên đường tiến hóa.
Ông lại lấy ra ve thuốc nhỏ làm hồi sinh, cho con chó chỉ còn thoi thóp uống thuốc nước quí giá, rồi nhẹ nhàng bồng nó trên tay mang về nhà.

XXI

Antonius và người tu sĩ, tên Pasimunda, thay vì đi lên đỉnh núi, lại đi theo dọc theo phiến đá de ra một khoảng cách xa bên dưới đỉnh. Và rồi họ đi vòng sang bên kia núi. Ở đó, không xa lắm là một thung lũng kín gió với tu viện lộ rõ dưới ánh sáng trắng của mặt trăng, những cửa sổ chiếu ra luồng ánh sáng vàng nhạt nhuộm mầu tuyết. Pasimunda nói.
– Hãy nhìn chỗ chúng ta sẽ đến, trông nó giống như hiện thân của sự mời chào phải không, với hết mọi cửa sổ sáng rực như trong lễ hội ? Và nếu nhìn ra xa, anh sẽ thấy ánh đèn của một ngôi làng lấp lánh trong tuyết phủ trắng chung quanh, bởi chúng ta không bị cô lập nhiều như anh nghĩ đâu; và ai biết đường có thể trở ra thế giới bên ngoài không khó chút nào, như anh sẽ thấy khi tới lúc anh phải quay về.
Antonius trả lời.
– Quả thật bây giờ nhà của tôi là cả trái đất, tôi cảm thấy mình không còn là cư dân của riêng một thành phố nào, hay là chủ nhân một ngôi nhà nào. Tuy nhiên sẽ có ngày tôi vui sướng trở về nhà riêng của mình để hội ngộ với người bạn mà tôi yêu quí. Bởi chẳng những tôi yêu quí anh mà còn nợ anh một ân nghĩa khó lòng đền đáp.
Pasimunda hỏi.
– Họ đã giúp anh ra sao ?
Antonius trả lời.
– Người ấy đã mở mắt cho tôi về Khoa học Vĩ đại, và tuy anh cho tôi mượn vài quyển sách và nhờ vậy làm tôi sinh lòng ưa thích, nhưng nếu không nhờ anh và hành động tốt bụng của anh, hẳn tôi sẽ phí trọn cuộc đời mình.
Pasimunda bảo.
– Chỉ người khôn ngoan mới biết hệ quả khôn lường ra sao sinh ra từ hành động tốt lành tầm thường nhất; và tôi nghĩ rằng chẳng bao lâu anh sẽ thấy món nợ còn lớn hơn anh tưởng. Nhưng nay, hãy bước cẩn thận, vì đường đi xuống rất dốc và mặt đất trơn trợt, coi chừng kẻo té.
Một lát sau, chót hết Antonius tới điểm cuối của cuộc hành trình. Khi vào tiền phòng rộng lớn của tu viện có đèn sáng và lò sưởi của cháy đỏ rực, Cynara đi ra ôm chầm lấy anh thật lâu và nồng nhiệt. Và con chó, nay đã lại sức hẳn, phóng khỏi tay Pasimunda, nhẩy tung tăng quanh ông bà chủ của nó, còn những người trong tu viện, đang tụ lại chờ bữa ăn tối, đứng quanh nhìn, mỉm cười với ánh mắt hiền lành thật tuyệt vời.
Một trong các tu sĩ dẫn Antonius đến phòng của anh.Antonius thấy mọi việc đã được sắp xếp cho anh có tiện nghi và nghỉ ngơi. Anh được giục hãy nhanh chân vì cơm tối đã sẵn sàng. Thế nên anh tắm rửa, mặc quần áo khô đã để sẵn, làm mọi chuyện mau lẹ vì rất đói bụng sau chuyến đi dài chỉ ăn sơ sịa. Sau cùng anh đi dọc theo hành lang dài ra phòng ăn, tự nghĩ.
– Ta có cảm tưởng như đang đứng bên bờ một chuyện ngạc nhiên vui vẻ rất lớn, mà không biết đó có thể là gì, bởi chắc chắn là đã hết rồi những chuyện gì bất ngờ, ngoại trừ cõi tinh thần là vô giới hạn, và chỉ có được trong tâm hồn ta, không phải từ ngoài mang đến.
Khi ấy, anh đi tới khúc quanh trong hành lang, thấy cửa phòng ăn mở rộng và kìa, đứng sâu một chút bên trong cửa và đang nói chuyện với Cynara là Pallomides. Ngay sau đó họ ôm choàng lấy nhau với sự hân hoan vỡ òa của hai linh hồn xa cách đã lâu nay tái ngộ, Antonius nói.
– Tôi không hề mơ tưởng là chén hạnh phúc của tôi được tràn tới miệng như vầy, hình ảnh không ngờ của anh, hỡi bạn thân, đã mang lại mọi chuyện mà không gì khác trên đời làm được vậy. Nhưng kể nghe coi, làm sao anh tới đây ?
Pallomides cười êm nhẹ và bảo.
– Nào, chỗ này là nhà tôi cũng như căn villa xa kia cạnh biển.
Antonius kinh ngạc hỏi.
– Vậy anh cũng là người thuộc nơi đây ư, từ hồi nào ? Mà sao anh không đi cùng với tôi khi tôi hỏi anh ?
Pallomides lại cười nữa và đáp.
– Có gì đâu, tôi đã đi con đường anh vừa trải qua nên không cần có lại cuộc hành trình ấy nữa, nhất là cho anh thì điều ấy không nên.
Đột nhiên Antonius đoán ra sự việc, do nhớ lại lời của Pallomides. Nên anh nói với lòng thương yêu và kính cẩn.
– Thưa Thầy, con có được mọi chuyện là nhờ thầy, nay con tin thầy là người đã gửi nhà hiền triết già giả dạng làm ông lão hành khất để thúc giục con tìm Đạo, và thầy hằng là bàn tay bí ẩn sau mọi chuyện, hướng dẫn con đến các vị huấn sư khác nhau.
Thình lình có tiếng chuông reo báo hiệu giờ ăn tối nên thay vì trả lời, Pallomides chỉ mỉm cười, thân ái dẫn học trò mình tới bàn ăn mà ông ngồi đầu bàn, đặt Cynara ngồi bên mặt của mình và Antonius bên trái, còn những tu sĩ khác ngồi dọc hai bên bàn. Cuộc chuyện trò ở bàn ăn diễn ra vui vẻ, nhẹ nhàng, tiếng cười của các tu sĩ vô tư lự vang lên như âm nhạc rót vào tai của hai người khách mới đến. Antonius thầm nghĩ.
– Bậc Cao Cả mới khiêm tốn làm sao, nay rõ ràng Pallomides là Viện Trưởng của tu hội này, bởi ông ngồi ghế danh dự, vậy mà trong bao năm ta quen biết ông, chớ hề nghe ông thốt lời nào về chuyện quan trọng như thế.
Khi bữa ăn đã xong và các tu sĩ đã tản mác, chỉ còn lại Antonius, Cynara và Pallomides, Antonius nói.
– Thưa Thầy, xin cho chúng con hay mọi chuyện có nghĩa chi, vì tuy con đoán được ít nhiều nhưng con rất mong được nghe hết sự thể từ chính miệng ngài.
Pallomides đáp.
– Hỡi bạn, xin đừng gọi tôi là Thầy và tôi xin nói hết những điều hai bạn muốn biết, vậy hãy biết là cuộc hành trình của hai bạn đã xong, tuy thực sự diễn ra trong thực tế nó là biểu tượng cho cuộc hành trình của linh hồn tới Minh Triết Thiêng Liêng, và cũng là cuộc hành trình của thân xác tới việc thành đạt ấy. Và tuy có thể chỉ dạy hai bạn trong căn villa của tôi cạnh biển, nhưng nếu không có cuộc hành trình và những khó khăn của nó, kinh nghiệm cay đắng trên đường, chỉ dạy của tôi sẽ không cho thành quả hoặc cao lắm là sẽ cho kết quả muộn màng. Vì con đường dài thường tới cuối hóa ra là con đường ngắn nhất, và dạy người khác (như bạn đã làm, Antonius, ở Marbletown) là ta học hỏi, lý  do là công đức thu thập được sẽ cho phép mở cánh cửa dẫn tới thêm hiểu biết.
'Nay, ở chỗ trên cao này nơi không khí tinh khiết, không nhiễm làn rung động thiếu trong sạch của tư tưởng trong thành phố, hai bạn có thể tiến theo cách khó mà được ở nơi khác. Tuy có đường dễ lên đây mà tôi và các tu sĩ dùng, con đường khó nhọc hơn lại cần cho hai bạn như là thử thách và kinh nghiệm để thanh tẩy con tim, như bây giờ hẳn các bạn đã tự mình nhận thức.
'Sao đi nữa, điểm chót cùng của cuộc hành trình là nhà riêng của hai bạn, bởi ở lại đây luôn không lợi ích gì, mà có những điều cần làm để mang lại sự tốt lành cho thế giới. Và việc trở về nhà cũng là biểu tượng y như là sự việc thật, vì giống như khi ấy bạn đã làm xong cuộc hành trình vòng vo thì nhân loại cũng thế, đi tìm hạnh phúc vàhiểu biết sau rốt học được rằng chỉ có thể tìm thấy chúng trong tâm.
Antonius nói.
– Con đọc nhiều trong sách của thầy nói về những năm tranh đấu nhọc nhằn, thiếu thốn đáng sợ là điều cần thiết để đạt tới việc thành đạo, nhưng khi con nhìn lại, ngoại trừ nỗi đau khổ cuối cùng, khi con tưởng như mất tất cả, trọn câu chuyện xem ra không tệ cho lắm.
Pallomides nói.
– Hỡi bạn, hãy biết rằng việc đi lên của bạn không bắt đầu trong kiếp này, như chẳng bao lâu bạn sẽ thấy khi có trở lại ký ức của những kiếp qua; và tuy ở khởi đầu của kiếp này bạn đắm chìm trong sự hoan lạc của giác quan, thấy có vẻ xa vời và hoàn toàn không tương ứng với đường Đạo, nhưng vẻ ngoài hằng có tính dối gạt, và ai dường như xa đích nhất lại thường khi là người gần nó nhất, như trường hợp của Cynara, là bạn và người trợ lực trung kiên và xả kỷ của bạn, cũng vậy. Thực thế, biết bao lần ai mà thế giới gọi là kẻ tội lỗi thì chỉ cách xa mức thánh nhân rất ít, một khoảng cách như sợi tóc, hoặc ít nhất có tiềm năng là thánh nhân; tội lỗi của họ vì vậy chỉ là  sự bùng lên lần chót của ngọn lửa leo lét gần tàn của cái ngã, để rồi tàn lụi hẳn không còn sống trở lại.
Pallomides ngưng một lát, nhìn hai học trò với vẻ thương mến và hồi lâu nói.
– Nay tôi phải đi thiền định một chốc và phải rời hai bạn, nhưng không lâu sau tôi sẽ trở lại và chúng ta đi nghỉ qua đêm.
Khi ông đi khuất, Antonius cầm tay Cynara và bảo.
– Em yêu, đây là cuối đường mà nó cũng là khởi đầu, vì từ trước tới nay chúng ta như trẻ con đang học đi, không thể hành động vì giới hạn của mình, luôn cả không thể cảm xúc và không thể thương yêu. Nay anh biết điều mà ai chưa hiểu biết gọi là tình thương so sánh với nỗi ngất ngây anh cảm thấy đối với em, thì khó thể là tình thương chút nào, mà chỉ là sự trộn lẫn thất thường của dục vọng và buồn khổ, sự vui mừng lúc có lúc không, lo lắng, ghen ghét, và nhiều điều không ổn định khác.
Cynara mỉm cười và nói.
– Bàn về tình thương thì anh nói đúng lắm, còn nói về cuối đường thì đó là cho anh mà chưa phải cho em; vì hãy biết rằng em chưa qua thử thách kinh khiếp dẫn tới đích sau rốt.
Antonius nhìn cô với sự thiết tha của lòng từ thương yêu trong mắt anh và nói.
– Nào, ước chi anh có thể tránh cho em việc ấy, vì nỗi thống khổ đó không sao tả được, tựa như bao nỗi thống khổ tụ vào làm một.  Em có muốn biết  làm sao nó xẩy ra không ?
Cô đáp.
– Kể em nghe !
Và anh nói.
– Em không biết, trên núi ở đó anh tưởng em đã chết rồi.
Cô bóp lấy tay anh, nhìn vào gương mặt anh với ánh mắt là một bể hùng biện, nhưng không thốt ra lời trong một lúc lâu. Rồi cô nói.
– Tuy nhiên, cho dù em có chết, anh biết rõ mà, không có sự chia cách.
Và anh đáp.
– Anh biết rõ lắm và đó là  thử thách của anh, vì đó là lần chót ảo tưởng đáng sợ về sự chia lìa tràn ngập hồn anh, làm anh cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn, luôn cả không còn cảm được tình thương. Anh kể em hay là chưa bao giờ sự Cứu chuộc lại gần như thế khi nó có vẻ như hoàn toàn ở ngoài tầm tay, vì vậy hãy nhớ điều ấy khi tới lúc em có thử thách cuối cùng. Giờ hãy trả lời anh một chuyện.
Cô hỏi.
– Anh muốn gì ?
Anh nói.
– Em có nghe thầy nói là còn có chuyện phải làm cho thế giới ?
Cô trả lời.
– Có, em có nghe !
Anh nói.
– Nay giới hạn của không gian và thời gian và sự mệt mỏi đã mất hẳn rồi; việc giúp đỡ nhân loại mồ côi đáng thương là niềm vui hân hoan cho mỗi người phụng sự, và họ thực hiện việc ấy bằng khả năng thêm vào của mình, như vậy công chuyện mà Pallomides nói tới đó hẳn phải liên hệ đến cõi trần.
Cô trả lời.
– Có thể như vậy lắm, mà như thế thì sao ?
Anh trả lời.
– Em biết rằng thân xác này chỉ kéo dài một lúc ngắn so với sự Vĩnh cửu, và có ít người phụng sự, vậy tột đỉnh hoàn toàn của kiếp sống của ta nơi cõi trần chỉ tới được nếu ta tạo nên hình hài cho một linh hồn cao cả. Anh hỏi xin em hai việc được chăng ?Hãy cho anh một người vợ với thân xác và con người đẹp đẽ của em, và một cậu con trai.
Cô đáp.
– Em rất sẵn lòng.
Do đó sau một thời gian, hai người nay đã kết hợp với nhau, quay về sinh quán của mình và thời gian trôi qua sinh hạ một bé trai. Vì tình yêu thank khiết của họ và sự cao thượng của linh hồn họ, hai người thu hút vào mình một nhân vật cao cả, người ấy trở thành nhà hiền triết đại tài, làm thế giới phong phú hơn với một triết lý thiêng liêng.
Về cha mẹ của ông, tới cuối đời và tuy trông vẫn còn trẻ trung, xinh đẹp, hai người rời bỏ xác thân, nay cùng làm việc ở những cõi phúc lạc trên cao nhất, cho tới khi đúng ngày giờ sẽ tái sinh lần nữa, trợ giúp thêm cho sự giác ngộ của con người.
HẾT